Ads Top

Làm gì khi bé quá ‘ranh ma’

 

Làm gì khi bé quá ‘ranh ma’

Tác giả: An Nguyên

Nhiều bậc phụ huynh từng “sốc” ngửa khi nghe bé con nhà mình thốt ra những câu quá người lớn, quá cụ non so với lứa tuổi. Nhiều bà mẹ trẻ từng bật khóc vì ngỡ ngàng và vì con quá “ranh ma”.

Nhiều bậc phụ huynh từng “sốc” ngửa khi nghe bé con nhà mình thốt ra những câu quá người lớn, quá cụ non so với lứa tuổi. Nhiều bà mẹ trẻ từng bật khóc vì ngỡ ngàng và vì con quá “ranh ma”.

Nói A để được B

Nói vòng vèo và tung hỏa mù đánh lạc hướng người nghe giờ không chỉ còn độc quyền trong cách ứng xử của người lớn. Nhiều nhóc mới 5 tuổi đã áp dụng chiêu thức này. Bé Bòn Bon, Hà Nội cứ than phiền với mẹ rằng đói quá nhưng lại từ chối mọi món mẹ đưa ra, khiến bà mẹ trẻ không biết đâu mà lần. Và cuối cùng bé thú thật rằng “Con không đói bánh chưng, không đói cơm, con cũng không đói bánh biscuit, mà con đói bánh chocolate ông ngoại mua để trong tủ lạnh cơ”.

*Mách bạn: Trường hợp bé vòi vĩnh như vậy, bạn phải hết sức tỉnh táo để nhận biết  thứ mà con bạn thực sự muốn có là gì, và khả năng mình có đáp ứng được cho con hay không. Đối với những bé đã có cân nặng quá tải, không nên đáp ứng con hoàn toàn về mọi vấn đề ăn uống, đồng thời cố gắng lái con sang một loại đồ ăn khác cùng loại nhưng giảm béo. Đối với những đòi hỏi khác của các bé như quần áo, đồ chơi…, cha mẹ cũng tùy tình huống mà nên đáp ứng hết hoặc chỉ một phần.

Bé nói hỗn

Ba của bé Bình Minh cũng rất sốc khi vừa đi làm về đã thấy vợ khóc nức nở trong khi cậu con trai mặt tỉnh bơ đang ngồi xem phim hoạt hình. Hỏi ra mới biết khi mẹ bắt đi học, bé nhất định không chịu đi, thậm chí còn dọa mẹ là “Mai mốt con lớn con sẽ mua súng bắn chết mẹ”. Kết quả là Bình Minh bị ba đập cho một trận vì tội hỗn láo và bà mẹ càng khóc hơn vì xót con.

*Mách bạn: Bé học lỏm được những câu nói người lớn từ trên phim ảnh, ti vi hoặc chịu tác động từ những bạn bè hư ở trường. Phụ huynh nên bình tĩnh để tìm hiểu ra căn nguyên thực sự. Từ đó tiến tới khuyên giải, nói lí lẽ để con hiểu rằng câu nói đó là sai trái. Cần chấm dứt không cho bé xem các phim người lớn hoặc cần có biện pháp nhờ nhà trường can thiệp kịp thời khi phát hiện ra có bạn học xấu tác động tới con mình và xúi bẩy những điều không hay.

Mê tiền

Có những bé từ nhỏ đã có những sở thích kỳ quặc là rất mê tiền. “Ba cho con tiền đi” là câu nói cửa miệng của bé Heo Con 2 tuổi mỗi ngày khi gặp bố mình. Bé xin tiền liên tục dẫu không biết tiêu và lập tức đánh lạc hướng khi bị bà và mẹ mắng. Bị con xin tiền suốt ngày, bố của bé nhiều khi cũng cho vài đồng lẻ để con đỡ quấy. Đó chính là minh chứng để bé nhận thức được việc làm mình có kết quả.

*Mách bạn: Đừng nghĩ rằng bé quá nhỏ thì dẫu cho tiền cũng không có tác động xấu. Việc làm nếu được thực hiện nhiều lần sẽ tạo thành thói quen.

Thách thức và dọa nạt

Mỗi khi đòi hỏi không được mẹ đáp ứng, bé Bảo Trân không chỉ khóc mà còn lớn tiếng tuyên bố: “Con không phải là con mẹ, con là con của bà, của bố. Con không ở với mẹnữa hay con ghét mẹ”. Và ngược lại khi bố hoặc bà không chấp nhận yêu cầu nào đó của bé, tất nhiên Bảo Trân lại lặp lại những câu nói trên với đại từ nhân xưng thay đổi. Mỗi lần chờ bố đưa đi nhà trẻ hàng sáng, bé Xuân Mai cũng vùng vằng giục: “Nhanh lên, không thì con đi xe ôm!”.

*Mách bạn: Bé thách thức vì biết mình được chiều và có khả năng được đáp ứng. Chỉ cần một lần đòi hỏi của bé được chấp thuận, bé sẽ được đà áp dụng nhiều hơn. Trong trường hợp này, bạn đành phải cứng rắn tới cùng, bất chấp những lời lẽ “thách thức” hoặc “dọa nạt” của bé. Chỉ cần vài lần như vậy, bé sẽ thấy cách này không hiệu quả và bỏ luôn.

Nhân nhượng

Đừng tưởng các bé không biết khi nào nên rắn, khi nào nên mềm. Lùi một bước để giữ vững quan hệ và tình cảm hiện có nhiều khi cũng được các bé áp dụng. Mẹ bé Thu Nga đang mong sinh tiếp con thứ hai, nên ra sức làm công tác tư tưởng cho bé. Tuy nhiên nói thế nào đi nữa, bé cũng không chịu. Chỉ đến khi mẹ dọa sẽ giao bé cho bố nuôi, để mẹ nuôi em bé, Thu Nga mới chịu “xuống nước” chấp nhận: “Mẹ cứ mang em bé về nuôi đi, để con nuôi em cho. Con sẽ rửa đít cho em, để mẹ đi làm”.

*Mách bạn: Nhiều khi bạn phải mạnh dạn dọa con một tí để chúng biết rõ mình không được cưng chiều và nếu chúng không chấp nhận, bố mẹ vẫn làm theo điều mà bố mẹ muốn.

Khẳng định vị trí và quyền sở hữu

Bé Nhật Quang là cháu độc tôn nên được cả họ cưng chiều. Bé thường đòi gì được nấy và luôn đòi hỏi phải “mua đồ chơi cho con, mua quần áo cho con”, luôn khẳng định mọi thứ là “của con”. Chỉ cần cô em họ cầm lấy đồ chơi của mình, Nhật Quang đã lao vào xô em ra, làm cô bé khóc ré và hai mẹ đều khó xử.

*Mách bạn: Không nên cưng con thái quá. Luôn giải thích rõ cho con về người sở hữu thật sự của từng món đồ, cái này là của bố, cái kia là của mẹ, cái nọ là của ông hoặc bà… Dạy cho bé cách mượn đồ, cám ơn và chịu ơn người khác.

Không có nhận xét nào:

Link DownLoad Tài Liệu

😊 Toán      6 7 8 9 10 11 12
😊 Lý         6 7 8 9 10 11 12
😊 Hóa       6 7 8 9 10 11 12
tanthanhle1092@gmail.com. Được tạo bởi Blogger.