Năm 2006, đã có tới hơn 40 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30/30 trong kỳ thi tuyển sinh ĐH. Trong số họ có những người học rất “tài tử”, không có dáng vẻ gì của “mọt sách”.Với họ, bí quyết đạt điểm tuyệt đối không có gì là… bí quyết cả vì thực ra đó chỉ là sự tự tin, lạc quan và có một học lực vững vàng. Những kinh nghiệm học tập dưới đây được tổng hợp từ hơn 40 thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2006. Hy vọng đây sẽ được xem như một “liều thuốc bổ” cổ động cho tinh thần sĩ tử năm nay:
Đừng quá căng thẳng mỗi khi nghĩ đến việc học!
Không cần thiết phải dành quá nhiều thời gian cho việc học ôn nhưng mỗi lần ngồi học thì hãy thật sự nhập tâm vào việc học. Theo bộc bạch của Lê Ngọc Hà, thủ khoa ĐH Nông nghiệp I trong kỳ thi tuyển sinh 2006 thì cô vừa ôn thi, vừa xem... World Cup.
Thủ khoa Lê Ngọc Hà đã “hiến” 5 bí quyết học thi khối A:
1. Chia thành các dạng bài rõ ràng, tự hệ thống lại kiến thức. Như vậy sẽ ghi nhớ được dễ hơn và nhớ được rất lâu. Chẳng hạn như với môn Hoá. Các bài toán di truyền Menđen, hoán vị, liên kết đều có 4 bước rõ ràng. Đó là: xét sự di truyền của từng tính trạng riêng lẻ, xét sự di truyền chung của các cặp tính trạng và rút ra quy luật di truyền, viết kiểu gen của thế hệ P sơ đồ lai và bước cuối cùng là kết luận. Nắm được cả 4 bước đó có thể giải quyết tất cả các dạng bài tập này. 2. Chia ra thành nhóm các dạng bài tập tương tự nhau, luyện thật nhiều bài tập của mỗi dạng. Chỉ cần nhớ dạng bài chính là có thể giải được các bài tương tự. 3. Làm thật nhiều bài tập để nhớ công thức chứ không phải học vẹt. 4. Tất cả lý thuyết đều được kiểm tra thông qua bài tập nên học theo phương pháp đọc hiểu rất hữu ích. làm thật nhiều bài tập từ dễ đến khó để không nản lòng. Không nên quá đi sâu vào các dạng bài khó mà chỉ cần tập trung vào những bài tập trong sách Bài tập lớp 12. 5. Lập “cẩm nang” phương pháp học cho mình bằng cách tập hợp tất cả các công thức lại sau mỗi lần giải bài tập vào một cuốn số nhỏ. Biến kiến thức trong sách giáo khoa thành kiến thức của riêng mình. Hãy học nhóm : Nhóm học có khoảng 2, 3 người cùng khối thi là tốt nhất. Học nhóm một cách nghiêm túc vừa giảm được căng thẳng của không khí ôn thi, vừa nhanh hiểu, nhanh nhớ. Thủ khoa Vũ Minh Long và Nguyễn Văn Quyết (ĐH Xây dựng) “bật mí”: Cái gì chưa hiểu thì cần hỏi bạn bè hoặc thầy cô ngay, phải hiểu sâu thì mới có khả năng làm được bài. Nên tranh luận nhiều với bạn bè để bổ sung kiến thức cho nhau. Theo Long và Quyết, qua nói chuyện với bạn bè còn có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau như kinh nghiệm về cách học lý thuyết, cách trình bày bài sao cho khoa học. Học nhóm còn cùng nhau mày mò tìm cách giải một bài toán khó được nhanh nhất, phát huy sở trường của mỗi người và bổ sung kiến thức cho nhau. Sưu tầm các môn thi và đáp án của đề thi ĐH trong hai năm gần đây, nghiêm túc tự tổ chức thi cho riêng mình với khoảng thời gian đúng như theo quy định đối với các môn thi ĐH. Sau đó, tự chấm điểm bài làm theo đáp án và thang điểm có sẵn và rất chi tiết (được đăng tải trên mạng Giáo dục của Bộ GD-ĐT) để vừa biết được thực lực của mình, vừa là cách ôn luyện kiến thức thêm mà không bị rơi vào cảnh nhàm chán. Đó là “chiêu thức” độc đáo của Thủ khoa ĐH Ngoại thương Lê Đoan Trang. Điều rất đáng lưu ý là cô thủ khoa này không hề đi luyện thi tại bất kỳ lò luyện nào và chỉ học tại một ngôi trường miền núi khá xa xôi của tỉnh Hải Dương. Dù ở bất kỳ nơi nào, trong bất kỳ điều kiện học tập thế nào, nếu say mê, quyết tâm và tự tin thì bạn cũng có thể học giỏi. Đó là điều mà Thủ khoa “miền núi” Lê Thu Trang muốn nhắn nhủ.
Học đều cả 3 môn, nắm vững lý thuyết và đừng bỏ sót phần nào
Hãy nhớ quy tắc sau trong việc ra đề thi ĐH: Các dạng đề thi giữa năm trước và năm sau thường không có gì quá mới, không có gì quá khác biệt. Ở mỗi đề thì đều có phần nâng cao, để xác định thí sinh trội hơn. Phần nâng cao này thường sẽ rơi vào những phần nào? Tại phanà, các năm đã có những câu hỏi “cài bẫy” ra sao? Cần nắm được quy tắc ra đề này để nghiên cứu kỹ. Cần khoanh vùng những chỗ thường có thể có bẫy, để tránh mắc sai lầm.
9 điều tạo nên "phong cách" của các Thủ khoa trong phòng thi:
1. Luôn giữ bình tĩnh, không tự tạo áp lực cho bản thân. 2. Tận dụng tối đa thời gian sau khi làm bài xong để đọc soát lại cẩn thận giúp phát hiện và chỉnh sửa kịp thời những chỗ sai. 3. Đừng cố gắng làm hết đề thi mà hãy cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình. Sẵn sàng chấp nhận chỉ làm được 90% nhưng đúng hoàn toàn còn hơn làm tới 100% nhưng chỉ đúng một nửa. 4. Tính toán nhanh và hợp lý trong việc việc chia thời gian làm bài bằng cách đọc lướt toàn bộ đề thi, nhất là với dạng đề thi trắc nghiệm. 5. Khi kiến thức đã được trang bị đầy đủ, để có thể làm bài thi một cách hoàn hảo thì cần có một sự trình bày tốt, không thừa không thiếu. 6. Đối với hình thức thi trắc nghiệm, câu hỏi bị chia lắt nhắt và dễ rơi vào những phần kiến thức nhỏ mà thí sinh dễ bỏ qua. Vì vậy, cần nắm chắc từng phần mới có thể đạt điểm tối đa. 7.Cẩn thận trong từng bước kể cả những bước tưởng như nhỏ nhặt nhất. Trước khi làm câu khó nhất thì nên kiểm tra hết tất cả các câu khác để đảm bảo không bị mất điểm một cách… “oan ức”. 8. Không gạch bỏ những phần làm rồi, nếu không tìm được cách giải khác. Vì lỡ đúng thì được thêm điểm và nếu sai cũng không bị trừ điểm! 9. Giữ gìn sức khỏe tốt và bước vào phòng thi với một tinh thần sảng khoá và một cái bụng... no để đảm bảo không bị run tay run chân hay tụt huyết áp. Theo Dantri
Không có nhận xét nào: